Toàn cảnh diễn đàn tái cấu trúc công nghiệp rượu Bia

Ngành công nghiệp bia rượu cần tái cấu trúc và thay đổi phương thức kinh doanh

Rượu Song Long (Tổng hợp) – Sản xuất “bia không cồn”, tái cấu trúc, cắt giảm chi phí nhân sự, marketing, quản lý doanh nghiệp sẽ là những vấn đề cốt lõi để gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát.

Đây là trao đổi của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 20/11, tại Hà Nội.

Nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, theo ước tính của Bộ Công thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những khó khăn mà doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát phải đối mặt chính là việc quản trị nhân sự khi số lượng lao động sử dụng khá lớn, vấn đề đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc, phân chia lao động hợp lý. Cùng với đó là việc đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu do không chủ động được nguồn cung…

Chỉ ra các thách thức, khó khăn của ngành rượu bia, theo PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ đầu năm 2020 đặt ra các quy định chặt chẽ hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như áp dụng các hình phạt nặng hơn khi điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của bia, rượu với bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu và hơi thở. Có thể nói đây là bài toán nan giải đòi hỏi nhiều thay đổi trong chiến lược sản phẩm, quảng cáo, và tái lập thói quen tiêu thụ của người dùng. Quan sát tác động của Nghị định 100 cho thấy, lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga…

Đồng thời, sự tác động của dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng rất lớn và không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, hạn chế đi lại, dịch bệnh còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng cùng hoạt động kinh doanh và gây trì trệ các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm các biện pháp ngăn chặn sự lây lan như đóng cửa các quán bia, rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm tại nhiều tỉnh, thành. Việc đóng cửa hàng loạt địa điểm kinh doanh trên toàn quốc trong thời gian dịch bệnh đã khiến việc tiêu thụ bia, rượu “đóng băng”.

Ngoài ra, Nghị định 24/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/2/2020 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia, cụ thể liên quan đến quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia.

“Một trong những áp lực với ngành bia, rượu trong thời gian tới là thị hiếu người tiêu dùng trong nước thay đổi, các loại bia mới, đặc biệt là bia nhập khẩu trong phân khúc cao cấp, sẽ hiện diện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam, tạo áp lực lên các loại bia sản xuất trong nước, bắt buộc phải nâng cấp cả về chất lượng, mẫu mã và chủng loại sản phẩm” – ông Long cho hay.

Năng động doanh nghiệp sẽ tìm được “lối ra”

Đưa ra những giải pháp để ngành bia, rượu phát triển ổn định trong thời gian tới, ông Long cho rằng, tiềm năng lớn của phân khúc “bia không cồn”, được xem là chìa khoá giúp tháo gỡ quy định của Nghị định 100 về sức khoẻ và an toàn lái xe hiện nay, bia không cồn hứa hẹn mở ra một tương lai đầy triển vọng cho ngành bia tại Việt Nam.

Điểm hấp dẫn là phân khúc này còn khá non trẻ, số thương hiệu bia không cồn trên thị trường Việt Nam cho đến nay rất ít, như Heineken 0.0, Sagota, Steiger, Bavaria, Oettinger… và chỉ có duy nhất Sagota (thuộc Công ty bia Sài Gòn Bình Tây) đang được sản xuất trong nước. Vì vậy, đây hẳn sẽ là sản phẩm cho nhiều thương hiệu bia trong tương lai.

Về tiềm năng về thị trường xuất khẩu, các nước ASEAN hay Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam với mức tiêu dùng thực phẩm, đồ uống tăng mạnh. Giai đoạn 2010 – 2019, sản lượng bia xuất khẩu tăng hơn năm trước, đạt hơn 46 triệu lít, trị giá 45,87 triệu USD. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và RCEP vừa được ký kết cũng hứa hẹn nhiều cơ hội.

Theo ông Long, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Với đặc thù doanh nghiệp sản xuất bia có các chi phí đầu vào ổn định và không quá cao, thì việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân sự, marketing, quản lý doanh nghiệp sẽ là những vấn đề cốt lõi để gia tăng lợi nhuận.

Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp ngành bia cần có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới giảm sự ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để, đáp ứng các quy định tại Nghị định 100.

Đồng quan điểm, ông Phùng Hoàng Cơ – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng, trong thời gian tới, để tháo gỡ các khó khăn cho ngành công nghiệp rượu bia, các doanh nghiệp cần xem xét gia tăng sản phẩm thay thế hỗ trợ, các sản phẩm sạch, hữu cơ cần được chú trọng trong ngành nước giải khát. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thay đổi về vấn đề chuyển đổi số, tiếp cận người dùng, tái cấu trúc mạng lưới phân phối…/.

Thông tin doanh nghiệp Rượu Song Long

  • Email[email protected] hoặc [email protected]t
  • CÔNG TY TNHH RƯỢU SONG LONG 
  • Adress: Cửa Bắc Street, Ba Đinh District, Hanoi, Vietnam
  • Hotline: 0902.183.136 – Em Phương  , hoặc Em Hương 0902.112.799 , 037.699.9986 – A Vũ cho các thông tin về sản phẩm hoặc báo giá cho các công ty tổ chức.

Trả lời